đây mà, nhưng có điều, người hát bài này lại là giọng ca ba quãng tám – Mai Linh. Thật không khó để nhận ra sự khác biệt.
Cô ấy vận dụng tất cả những kĩ thuật của mình, thay vì để bài hát trôi theo một cách tự nhiên, lắng đọng cảm xúc thì Mai Linh phô diễn hết chất giọng khỏe khoắn, hát những nốt cực kì cao.
Cô ấy…đã phá hủy bản gốc của nhạc sĩ An Mạnh mất rồi!
“Về bên em” không phải bài hát mang nặng tính kĩ thuật như thế, nó rất nhẹ nhàng, trong trẻo, vừa tươi tắn vừa đượm chút buồn, chút hối tiếc của ngài nhạc sĩ lúc cuối đời.
Nhưng không thể phủ nhận một điều là giọng hát Mai Linh nghe rất bắt tai, chẳng trách phản hồi trên các trang báo điện tử tốt đến thế.
“Các cậu nghe đây, lập tức thông báo cho các cơ quan truyền thông về vụ này. Cử người điều tra và liên lạc ngay với con bé Mai Linh. Nó muốn phá hoại hay sao!” Ngài giám đốc đập bàn bực tức.
Ngay sau đó, phía công ty truyền thông đã nối máy được với Mai Linh làm rõ mọi chuyện.
Mai Linh cũng tỏ ra vô cùng hoảng hốt. Lúc trước, tình cờ được nghe thử bài hát, vì cô ấy thích quá nên đã thu âm ngay mà không hỏi ý kiến ai hết. Chính cô ấy cũng không ngờ bản thu cá nhân của mình đã bị tung lên mạng.
Nhưng dấu hỏi to đùng được đặt ra ở đây là: làm thế nào cô ấy có được bài hát đó?
Ai là người đưa bản audio cho cô ấy?
Có lẽ nào là…
…
Khi tôi đặt chân vào bệnh viện thăm ngài nhạc sĩ là lúc ông đang ngập trong một cơn ho dữ dội.
Màu tóc trắng cùng gương mặt xanh xao gầy gò khiến ông gần như trong suốt giữa giường bệnh trắng toát, thế nhưng cái cách ông gọi tên tôi vẫn trầm ấm như hôm nào.
“Hạ Kem đấy à?”
“Vâng, là cháu đây.” Tôi xúc động lại gần nắm lấy bàn tay xương xương của ông.
“Cháu vẫn ổn chứ?”
“Cháu ổn ông à, ông gắng giữ gìn sức khỏe nhé.”
“Hà hà…ta đã đi đến cuối cuộc hành trình rồi, cháu à. Có muốn níu kéo cũng không được.”
“Mẹ cháu đem gửi ông món cháo gà ngon lắm, chút nữa ông ăn nha.”
“Ừ…ừ.” Ông gật gật đầu hiền lành.
Ngài giám đốc đã dặn tôi tuyệt đối không được nói cho ông An Mạnh biết chuyện. Cứ nhìn ông mà xem, riêng việc chống chọi với bệnh tật đã khiến ông mỏi mệt lắm rồi.
“Hạ Kem này, ta có một ước nguyện nho nhỏ, cháu có thể cùng ta thực hiện được không?”
“Ồ, được chứ ạ.”
“Ta muốn đến ngôi nhà gỗ dưới ngoại ô một ngày, từ khi đổ bệnh đến giờ lúc nào cũng quanh quẩn trong cái phòng bệnh chán ngắt này, chưa có cơ hội quay lại đó.” Rồi ông buồn rầu thở dài, mắt nhìn về phía xa xăm. “Ta có cảm giác như nếu không sớm thực hiện, vĩnh viễn ta sẽ không còn cơ hội mất.”
Vĩnh viễn không còn cơ hội?
“Ông đừng nói thế. Làm sao mà không còn cơ hội được?”
“Cái gì phải đến sẽ đến. Vậy cháu đi cùng ta được không?”
…
Giá như biết trước chuyến đi lần này có mặt một người, tôi sẽ tìm cách từ chối.
Nhưng rốt cuộc thì cũng đã muộn.
Đi cùng chúng tôi là bác sĩ riêng của ông An Mạnh, cô ấy sẽ chăm sóc cho ông.
Vì chú An Thông bận giải quyết công việc nên không thể lái xe chở ông đi được, thay vào đó là…Kiwi.
Nhìn thấy bóng dáng anh ấy, hay chỉ cần nghe đến tên Kiwi thôi là tôi lại thấy ruột gan mình cồn cào như lửa đốt.
Sau lưng Kiwi, mặt trời đang dần nhô lên, ngày một sáng rõ.
Anh ấy trò chuyện vài câu với bà bác sĩ, rồi nhét những thứ đồ, hành lý quan trọng của ông An Mạnh vào cốp xe. Trong khoảnh khắc, tôi bỗng nhớ lại bức ảnh của anh ấy và Jenny trong căn phòng nọ, tự nhiên thấy tim mình nhói lên, trong đầu miên man những suy nghĩ.
“Lên xe đi.”
Tôi cứ đứng bần thần bên vệ đường, đến khi Kiwi lên tiếng gọi vào thì mới bừng tỉnh.
Ngồi cùng anh ấy ở hàng ghế đầu, phía sau là ông An Mạnh và bà bác sĩ, tôi gần như chẳng thể nào bình tĩnh nổi. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi mùi áo vest của anh. Đến tận mãi sau này khi tôi trưởng thành, mùi hương cuốn hút ấy vẫn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tôi, đến nỗi tôi đã đi sục sạo khắp các cửa hàng nước hoa trong thành phố
cũng như các nơi trên thế giới, nhưng không sao tìm kiếm được.
Đến nơi, tôi đỡ ông An Mạnh, còn bà bác sĩ và Kiwi đem đồ đạc, dụng cụ y tế chuyên dụng vào nhà.
Bước chân qua bậc thềm, mùi gỗ thông nhẹ nhàng phả vào khiến tôi có cảm giác thư thái nhẹ nhõm. Gió từ phía hồ nước thổi tới làm xõa tung mái tóc ngắn ngang vai. Con đường từ bờ hồ vào nhà được rải sỏi trắng, hai bên là thảm cỏ đã sạm màu. Khác với lần trước, hôm nay tôi đến đây với cặp mắt sáng rõ nên tha hồ ngắm nghía mọi thứ xung quanh.
Phía cuối hành lang là một hàng ghế đá được chế tác khá thô. Tôi bắt đầu nhẩm tính sẽ đem sách ra đó đọc, và nghe nhạc nữa chứ. Chà, sẽ thú vị lắm đây!
Tôi không khỏi bàng hoàng khi bước vào ngôi nhà. Nó sạch sẽ, tinh tươm lạ kì, cứ như lúc nào cũng có bàn tay lau dọn vậy. Tất cả mọi đồ dùng, bàn ghế, giường tủ đều được làm bằng gỗ. Ấn tượng nhất là chiếc lò sưởi kiểu châu Âu và bức tường với những khung tranh nhỏ nhắn.
“Đẹp quá!” Tôi vừa chạm tay vào những bức tranh vừa reo lên.
“Tất cả những thứ này đều do thằng nhóc Kiwi vẽ đó cháu, từ năm nó lên 4.” Ông An Mạnh nhìn tôi cười khà khà.
Là do anh Kiwi vẽ?
Anh ấy là người đam mê hội họa ư? Tôi còn chẳng biết điều đó. Ở trường trung học ai cũng biết anh ấy yêu thể thao và là thành viên của đội bóng rổ, à, Kiwi còn chơi đàn piano nữa, trước kia anh ấy có từng nói với tôi. Ai cũng bảo sau này Kiwi nhất định sẽ trở thành CEO, quản lý chuỗi nhà hàng, hoặc công ty truyền thông.
“Ông à, cháu đã sắp xếp đồ đạc của ông vào phòng rồi.” Tiếng Kiwi vọng ra.
“Ừ.” Ông An Mạnh chậm chạp đáp.
Tuy sức khỏe hiện tại của ông khá yếu, nhưng ông vẫn nhiệt tình vào bếp pha trà mật ong nóng cho bọn tôi. Ông bảo, pha trà và uống trà là cả một nghệ thuật. Thời trẻ tuổi ông có đến nhiều nơi trên thế giới: Hàn Quốc, Nhật Bản; mỗi nơi đều có phong cách rất khác nhau. Bên Hàn Quốc, giữa bát sứ đựng trà là một bông hoa sen trắng. Bên Nhật Bản, uống trà là cả một nghi thức với 4 đức tính và 7 nguyên tắc, mang đậm tính truyền thống.
Ngồi quây quần bên những chiếc ghế tràng kỉ đã cũ, tôi vừa chậm rãi uống trà, ăn bánh ngọt, vừa tròn xoe mắt nghe ông An Mạnh kể chuyện.
Lạ thật đấy, ông nội tôi cũng thích uống trà giống như vậy, nhưng đơn giản hơn nhiều. Ông nội cũng có lần chỉ tôi, mật ong rất tốt cho những người mắc chứng ho mãn tính.
“Những người trẻ như các cháu ham thích mấy thứ đồ Tây quá, các món ăn nhanh tuy ngon miệng thật đấy, nhưng về lâu về dài không tốt cho sức khỏe chút nào. Tốt nhất nên ăn nhiều rau xanh, đậu hũ, các món luộc, nấu.”
“Cháu cũng thích mấy món đó lắm.” Tôi hứng khởi.
Bên cạnh tôi, Kiwi cũng bật cười, tiếng cười giòn tan.
“Kiwi cả Kem này?”
“Dạ.” Cả tôi và anh ấy cùng đồng thanh.
“Ta ra hồ câu cá đi.”
Ha! Câu cá! Thú vị đây! Tôi tự nhủ.
Chỉ một lát sau, chúng tôi đã sẵn sàng đồ nghề, ngồi trên chiếc cầu gỗ từ nhà thông ra hồ, thả cần câu. Hai chân tôi cứ ngúng nguẩy một cách thích thú.
Từ lúc đến đây tới giờ, tôi luôn giữ khoảng cách với Kiwi, nhưng lúc này thì…không thể. Vì cây cầu này khá bé nên chỉ cần với tay sang là tôi có thể chạm tay tới anh ấy.
Ông An Mạnh và bà bác sĩ ngồi trên ghế đá, nhẩn nha ngắm nhìn thiên nhiên yên bình và…xem chúng tôi câu cá.